TQĐT – Theo những người đi lấy lá dong rừng chuyên nghiệp, vùng rừng núi Đỉnh Mười – Ba Xứ thuộc địa phận các xã Kiến Thiết, Trung Trực, Tân Tiến của huyện Yên Sơn là vựa lá dong của tỉnh. Nơi đây vẫn còn các khu rừng già, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ẩm nhiệt đới rất phù hợp cho cây lá dong phát triển. Anh Phạm Văn Vấn, thôn 3, xã Tân Tiến cho biết, cây lá dong là loài thực vật thân thảo cao trung bình từ 1 – 1,5 m.
Đang xem: Cách bảo quản lá dong được tươi lâu
Cây ưa mọc dưới tán rừng già có độ ẩm cao, đẻ nhánh khỏe. Mỗi năm một cây có thể đẻ ra hàng chục nhánh, mỗi nhánh cho thu hoạch từ 6 – 7 tàu lá. Lá dong có thể cho thu hoạch quanh năm, lá mọc tầm hai tháng là cắt được. Cây lá dong có hai loại, dong lông hay còn gọi là lá dong tẻ, còn dong nếp có hai mặt đều nhẵn nên người ta thường dùng để gói các loại bánh.
![]() Gia đình chị Lê Thị Lan, thôn 3, xã Tân Tiến (Yên Sơn) thu hoạch lá dong tại vườn nhà. |
Thời điểm từ đầu tháng 12 – 2017, người dân trong xã Tân Tiến đã tập trung nhân lực đi lấy lá dong về bán dịp Tết. Ngoài đi xe máy, họ phải đi bộ, leo núi chừng 4 – 5 km. Trung bình mỗi ngày, một người cắt, bó, gùi về nhà được từ 700 – 1.500 tàu lá, thu nhập từ 400 – 600 nghìn đồng. Theo quy ước, cứ 25 tàu lá, họ bó thành một bó nhỏ, 4 hoặc 8 bó nhỏ buộc thành một bum. Người ta dùng lá cây bum, bum kín bó lá dong nhằm tránh nắng, gió, mưa gây hư hỏng. Về nhà, đặt phần cuỗng vào chậu nước sạch được thay thường xuyên, nhờ đó mà lá dong xanh rất lâu, không bị úa vàng. Nếu bảo quản đúng kỹ thuật, lá dong có thể để được hơn 1 tháng mà lá vẫn xanh.
Xem thêm: Cách Bảo Quản Thịt Gà Trong Tủ Lạnh An Toàn Và Tốt Cho Sức Khỏe
Trước kia, khi các cánh rừng già ở Đỉnh Mười bạt ngàn, lá dong cũng nhiều vô kể. Một vụ tết, mỗi gia đình ở đây có thể lấy được vài chục vạn tàu lá dong về bán. Giờ đây, diện tích rừng già bị thu hẹp vì nhiều lý do như khai thác gỗ tự nhiên hay trước kia do phá rừng làm nương rẫy… nên sản lượng giảm đi. Giá của lá dong cũng vì thế mà liên tục tăng. Trước kia, 25 nghìn đồng có thể mua được 100 tàu lá gói bánh chưng Tết, thì nay đã lên 50 – 60 nghìn đồng. Lá dong không những được tiêu thụ nhiều ở trong tỉnh mà giờ các lái buôn còn chở xe tải, thuyền co le về xuôi để bán.
Thấy diện tích cây lá dong trên rừng ngày càng bị thu hẹp, việc lấy lá dong bán cho khách hàng không còn được chủ động, bền vững như trước, là một người lấy lá dong rừng chuyên nghiệp, mấy năm gần đây gia đình chị Lê Thị Lan ở thôn 3, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn đã đưa cây lá dong trên rừng về trồng thử nghiệm quanh nhà. Thấy cây vẫn phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên chị quyết định nhân rộng ra 20.000 khóm trên diện tích 5 sào. Chị Lan trồng cây lá dong xen kẽ dưới tán rừng, tán vườn cây ăn quả theo phương châm vừa chống được cỏ dại, vừa tiết kiệm đất, tạo độ ẩm cho cây trồng phát triển. Nhờ có vườn lá dong tại nhà nên gia đình chị có lá dong bán quanh năm cho những người gói bánh chưng, bánh tẻ chuyên nghiệp với giá thấp hơn. Thường 1.000 tàu lá, bán giá buôn được 200 – 300 nghìn đồng. Mỗi năm, chị thu nhập hàng chục triệu đồng.
Bà Hà Thị Mạnh, một người có kinh nghiệm trong việc trồng cây lá dong ở thôn 3, xã Tân Tiến khẳng định, cây lá dong rất dễ trồng. Mỗi năm cây đẻ nhánh theo cấp số nhân. Cây cũng ít mắc sâu bệnh, chỉ chú ý phòng sâu cuốn lá là được. Mật độ trồng 1m2/khóm, sau một năm cây cho thu hoạch, lá dong tầm 2 tháng tuổi cắt là đẹp nhất. Hàng năm, sau khi thu hoạch đại trà lá dong vào dịp tết, cây phải được chặt sát gốc. Như vậy sang năm cây mới nảy mầm và cho sản lượng lá tốt.
Xem thêm: Cách Bảo Quản Súp Cua Qua Đêm, Cách Bảo Quản Cháo Trắng Qua Đêm
Song song với việc trồng, thu hoạch cây lá dong vườn nhà, vào thời điểm giáp Tết này, từng đoàn người địa phương vẫn rủ nhau đi lấy lá dong rừng về bán Tết. Họ thường chở xe máy ra chợ Tam Cờ bán buôn cho các thương lái. Mỗi vụ lá dong, nhiều hộ cũng có đủ tiền sắm được cái Tết thịnh soạn cho cả gia đình, ngoài ra không ít người trúng vụ còn có vốn để đầu tư phát triển sản xuất.